0 nhận xét

6 tính năng Android chỉ có khi root máy

Root là thay đổi quyền của người dùng đối với điện thoại, sau khi root bạn chiếm được quyền kiểm soát cao nhất đối với hệ điều hành và có thể sử dụng rất nhiều chức năng vốn bị khóa bởi nhà sản xuất.
I - Root là gì?
Khi chúng ta nói về việc root một chiếc smartphone hay máy tính bảng nghĩa là chúng ta đang nói đến việc vượt qua những hạn chế mà nhà sản xuất đã thiết lập sẵn để chiếm lấy quyền điều khiển cao nhất. Tương tự như vậy với các thiết bị của Apple thì hành động này được gọi là Jailbreak. Jailbreak là quá trình "vượt ngục" cho thiết bị của bạn trước những giới hạn mà nhà sản xuất đặt ra. 
Với một nền tảng khá "đóng" như iOS, việc jailbreak cũng giống như root, mang đến khả năng truy cập cao nhất (admin) cho người dùng và thực hiện những thay đổi mà vốn dĩ chỉ nhà sản xuất mới làm được.
Các nhà sản xuất khóa thiết bị của chúng ta vì "lợi ích của chính chúng ta", để giữ cho người dùng khỏi làm hỏng những thiết bị này hoặc để tránh các phần mềm độc hại có thể xâm nhập được vào bên trong và làm hư hại thiết bị. Mục tiêu thứ hai là để đảm bảo rằng chúng ta không thể làm bất cứ điều gì mà các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp hệ điều hành không muốn chúng ta làm.
Thuật ngữ root được bắt nguồn từ nhân điều hành Linux, nhân điều hành "thủy tổ" của Android. Root cho phép người dùng truy xuất, quản trị vào nhân hệ thống mà thông thường họ không thể tiếp cận được. Chúng ta có thể hiểu như thế này, bình thường bạn dùng Android với quyền user, sau khi root thì bạn dùng nó với quyền administrator. Nói tóm lại, root là thay đổi quyền của bạn, sau khi root bạn chiếm được quyền kiểm soát cao nhất đối với hệ điều hành và có thể sử dụng rất nhiều chức năng vốn bị khóa bởi nhà sản xuất.
II - Những tính năng không đòi hỏi việc Root máy
Có những tính năng trước đây chỉ có khi root thiết bị, nhưng giờ đã được nhiều nhà sản xuất trang bị sẵn. Một trong những tính năng là chức năng đèn pin ở mặt sau của smartphone.
Những chiếc điện thoại thông minh Android hiện nay thường đi kèm với một máy ảnh phía sau, và gần như bất kỳ máy ảnh nào cũng có đèn flash. Các đèn LED dùng để tăng độ sáng khi chụp tối có thể được sử dụng như một chiếc đèn pin khá tốt trong thời gian ngắn. Không giống như những chiếc đèn pin chuyên dụng, các đèn LED được sử dụng trên smartphone thường không bao gồm phần cứng tản nhiệt nên rất dễ dàng bị hỏng nếu bạn bật chúng trong thời gian dài.
Trước đây không có một API tiêu chuẩn nào cho phép ứng dụng sử dụng module LED của máy ảnh. Một số lập trình viên ứng dụng có thể tạo nên một ứng dụng cho đèn flash chiếc smartphone của một hãng sản xuất, nhưng ứng dụng đó cũng không thể sử dụng cho các smartphone của một hãng sản xuất khác. Rất may, Google cuối cùng đã mở các API máy ảnh, và các lập trình viên có thể chuyển đổi đèn flash thành đèn pin, và thậm chí thiết lập cường độ của nó. Truy cập root lúc này đã không còn cần thiết nữa.
Tuy nhiên, đây không phải là lý do chính để Google đã mở ra các API máy ảnh này. Đây được coi là hành động giúp thúc đẩy sự phát hơn các phần cứng máy ảnh và ứng dụng chụp ảnh. Việc có một chuẩn chung giúp cả hai có thể phát triển nhanh hơn rất nhiều, để các nhà sản xuất có thể sử dụng các bộ cảm biến tốt hơn hay tạo ra các ứng dụng máy ảnh tốt hơn.
III - Những tính năng đòi hỏi việc Root máy
1. Thiết lập DNS cho máy
Đây là một tính năng trên smartphone vẫn yêu cầu bạn phải thực hiện root máy mới sử dụng được. Khi bạn muốn truy nhập vào một trang web (VD: vnreview.com), bạn sẽ phải gõ tên miền này vào thanh địa chỉ của trình duyệt. Yêu cầu truy nhập sẽ được gửi đến một máy chủ DNS (Domain Name System) có nhiệm vụ quản lý và phân giải tên miền thành những địa chỉ IP của trang web đó. Điều này cũng tương tự như việc bạn tra danh bạ điện thoại để tìm ra số điện thoại của một người.
Việc chuyển đổi tên miền thành địa chỉ IP có thể mất một khoảng thời gian nhất định. Khoảng thời gian này nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cấu hình máy chủ DNS nơi bạn gửi yêu cầu đến hay vị trí địa lý của chiếc máy chủ đó. Nếu vị trí của chiếc máy chủ DNS này quá xa, không cùng khu vực hay thậm chí được đặt tại châu lục khác thì khoảng thời gian này sẽ càng lớn. Một số ít hãng đã nhận ra điều này và đã thiết lập các thông số DNS của bạn đến một máy chủ gần chỗ bạn. Đó có thể là máy chủ GoogleDNS hoặc OpenDNS.
Tuy nhiên để có thể thay đổi các thiết lập DNS này trên chiếc smartphone của bạn, bạn sẽ cần phải có quyền root để thay đổi nó từ những thiết lập DNS mặc định của nhà sản xuất.
Sao lưu toàn bộ hệ thống
Vẫn có những ứng dụng không lưu dữ liệu online lên các đám mây. Điều đó có nghĩa là khi bạn cài đặt lại máy (hoặc sắm một chiếc smartphone khác) thì bạn sẽ cần phải sao lưu những dữ liệu này vào một cách thủ công.
Thật không may, nếu như bạn chưa root thiết bị của mình thì điều này gần như là không thể. Để có thể sao lưu được toàn bộ dữ liệu hệ thống, bạn cần phải có quyền cao nhất trên chiếc smartphone của mình để tiến hành thực hiện được điều đó.
Ép xung/Hạ xung cho thiết bị của bạn
Những con chip hệ thống trên thiết bị của bạn có thể hoạt động nhanh hơn so với những thông số đưa ra từ nhà sản xuất nhờ vào việc ép xung. Nhưng hành động này cũng có thể gây ra ảnh hưởng đến tuổi thọ pin của smartphone hay thậm chí là làm cháy thiết bị trong quá trình ép xung.
Các nhà sản xuất đã tính toán kỹ lưỡng để cân bằng khả năng xử lý, nhiệt độ và tiêu hao pin khi thiết lập tốc độ xung nhịp trên chip hệ thống. Vì một lý do nào đó, bạn muốn thay đổi tốc độ xung nhịp này (tăng lên hoặc giảm đi) thì bạn sẽ cần quyền root để thực hiện. Đây là điều mà các nhà sản xuất không khuyến khích nên đã khóa chức năng này vì một sai sót nhỏ trong quá trình thực hiện cũng có thể gây nên những thiệt hại đáng kể.
Chạm để mở khóa
Nhiều điện thoại có một tính năng khá thú vị đó là chạm để mở khóa. Nếu đã quen với tính năng này, sẽ thật khó chịu khi không thể gõ hai lần vào màn hình để mở khóa. Một số lập trình viên đã đưa ra tính năng cho các điện thoại không hỗ trợ mặc định, tuy nhiên bạn sẽ cần quyền truy nhập admin thông qua root mới có thể cài đặt, do tính năng này thường được đưa vào phần kernel của ROM.
Thay đổi đèn LED thông báo
Nhiều điện thoại có sẵn một đèn LED thông báo, hiển thị được nhiều màu sắc khác nhau được đặt ngay dưới loa. Để có thể thay đổi được màu sắc của đèn LED cho từng loại thông báo khác nhau, bạn sẽ cần một ứng dụng chuyên dụng cho đèn thông báo và cả quyền root nữa.
Kết nối với ổ đĩa USB Flash
Đối với những người sử dụng smartphone thì dung lượng trong của máy là không bao giờ đủ. Đối với những thiết bị không hỗ trợ gắn thẻ nhớ MicroSD, bạn sẽ phải mở rộng dung lượng qua dây nối và một ổ nhớ USB.
Một số hãng sản xuất hiểu được nhu cầu này nên đã kích hoạt sẵn chức năng kết nối smartphone với những chiếc ổ đĩa USB Flash, để bạn chỉ việc cắm chúng vào với nhau và sử dụng. Nhưng cũng có những hãng sản xuất vẫn không kích hoạt sẵn tính năng này cho người dùng, ví dụ như Sony. Trong những trường hợp như vậy, bạn sẽ phải tìm một ứng dụng tùy chỉnh và root thiết bị của mình.
Trên đây là một số tính năng cơ bản mà bạn sẽ cần quyền admin sau khi root máy để có thể thực hiện được. Danh sách này không phải là đầy đủ tất cả tính năng mà bạn có thể làm sau khi root máy, còn rất nhiều tính năng nữa đang chờ bạn khám phá. Nhưng chúng tôi cũng khuyến cáo rằng các bạn nên tìm hiểu kỹ và cẩn thận trong quá trình thực hiện root máy.
Anh Minh
nguồn: vnreview

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Top